Lễ trao giải thưởng Trách nhiệm Xã hội CSR Award 2012


Ngày 30/3/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp năm 2012 (CSR Award 2012).


Sự kiện nhằm tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp lồng ghép trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) vào các hoạt động của mình và có thành tích xuất sắc trong hai lĩnh vực là lao động và môi trường trong các năm 2010-2012. Sự kiện này được tường thuật trực tiếp trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành liên quan cùng các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Được tổ chức 3 năm một lần, đây là lần thứ 5 giải thưởng được phát động. Lần này VCCI là cơ quan chủ trì tổ chức giải đã phát động và thu nhận hồ sơ tham gia giải thưởng từ cuối tháng 10/2012 và sau 3 tháng được hội đồng đánh giá liên ngành xem xét hồ sơ và khảo sát thực địa đối với những doanh nghiệp được chọn vào vòng 2.

Giải thưởng gồm 2 lĩnh vực: lao động, môi trường và tiêu chí đánh giá là các DN thực hiện lồng ghép trách nhiệm xã hội doanh nghiệp như là một phần không thể tách rời trong chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị, trong đó thể hiện sự quan tâm tới các vẫn đề như: Môi trường, lao động, sự tham gia của cộng đồng và phát triển cộng đồng, giáo dục và đào tạo nhân viên, kinh doanh trung thực; quan hệ khách hàng, điều hành doanh nghiệp và quyền cá nhân hợp pháp của người lao động. Đây cũng là cơ hội để các DN chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hợp tác về CSR giữa cộng đồng DN, cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Ngoài ra giải thưởng còn khuyến khích và hỗ trợ các DN Việt Nam liên kết với các DN và diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực CSR nhằm học hỏi kinh nghiệm hướng tới phát triển bền vững.
Tiêu chí cụ thể trong lĩnh vực môi trường như: Tuân thủ pháp luật về môi trường, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội về môi trường. Trong lĩnh vực lao động là: Tuân thủ pháp luật về lao động; Có các chính sách cải thiện điều kiện làm việc; Có các công cụ truyền thông và đối thoại xã hội phục vụ việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Có chính sách phát triển nguồn nhân lực…
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng so với các năm khác, CSR Award 2012 vẫn nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp. Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều đơn đăng ký tham gia xét duyệt của các đơn vị. Trong thời kỳ khủng hoảng, hàng loạt DN có thể sẽ phải rời khỏi thị trường nhưng đồng thời cũng xuất hiện nhiều DN mới tham gia thị trường. Khó khăn, thách thức đòi hỏi DN phải phấn đấu, tồn tại để vượt qua. Môi trường kinh doanh càng khốc liệt thì DN càng phải gia tăng, củng cố và duy trì năng lực cạnh tranh của mình. Vì vây, giải thưởng không những được các doanh nghiệp quan tâm mà còn được rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhiệt tình. Bên cạnh đó, việc trao giải thưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay chính là sự động viên, khích lệ các DN giữ vững niềm tin, vượt qua gian khó. Đồng thời khẳng định bản lĩnh của DN biết vươn lên trong những hoàn cảnh “bão táp” để nâng cao uy tín của doanh nghiệp với khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế thành công hướng tới sự phát triển bền vững.
Kết quả giải thưởng trách nhiệm xã hội CSR award 2012 đã được trao cho 41 doanh nghiệp chia đều cho 2 lĩnh vực Lao động và Môi trường, trong đó có 29 giải khuyến khích, 06 giải ba, 04 giải nhì 02 giải nhất (1 giải về Lao động; 1 giải về Môi trường). 
Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI thì: … những doanh nghiệp đoạt giải là những DN đã có được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo và toàn thể đội ngũ lao động về thực hiện trách  nhiệm xã hội doanh nghiệp…

CHIA SẺ XU HƯỚNG COMPLIANCE NĂM 2013

Thân chào các bạn,

Mình chia sẻ một số nhận định về xu hướng Social Compliance của năm nay nhé.

Sau một số sự cố về thực trạng cũng như tình thực thi của SCR ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam... còn rất mơ hồ và yếu kém, thực chất chỉ mới nằm ở mức chấp nhận được và đối phó. Hiện nay hầu hết khách hàng đang cố gắng ràng buộc nhà cung ứng vào 5 mảng chính để đảm bảo hàng hóa của họ được "trong sạch". Mình xin list khái quát các nội dung về 1 hệ thống cơ bản mà doanh nghiệp phải đáp ứng nhé.

1. Social Compliance (TNXH): 
Hầu hết vẫn xoáy vào việc tuân thủ pháp luật nhà nước, các chính sách mang tính đặc thù của từng khách hàng thì rất đa dạng nhưng chủ yếu về giới hạn thời gian làm việc, tăng ca, nghỉ ngơi và rất nhiều chính sách ATLĐ riêng.

2. C-TPAT (An ninh):
Bước sang năm nay, xu thế về an ninh không còn chỉ là an ninh phòng chống khủng bố nữa mà chủ yếu nêu rõ các yêu cầu về huấn luyện và đào tạo nhận thức, kiểm soát an ninh hàng hóa cũng được nâng lên mức quan trọng hơn khi nạn thất thoát xảy ra nhiều tại đanh nghiệp.
Để giải quyết tốt mảng này, các bạn cần có một hệ thống quản lý thông suốt và làm việc có hiệu quả chứ không chỉ dựa vào chứng từ, giấy tờ, Việc huấn luyện nhận thức phải được thực hiện nghiêm túc và bài bản.

3. Brand Protection (Bảo vệ nhãn hiệu):
Các yêu cầu về bảo vệ nhãn hiệu không còn là mới mẻ nhưng việc thực hiện được hay không đòi hỏi doanh nghiệp phải rất rõ ràng trong cách thức quản lý, giải quyết hàng tồn, hàng phế, nguyên phụ liệu dư thừa sau sản xuất, chính sách quản lý mẫu, nhãn, mác.....
Hơn thế nữa, để bảo vệ khách hàng khỏi các rủi ro mất thương hiệu và quyền lợi, chúng ta cần tăng cường tìm kiếm ngoài thị trường xem các mặt hàng đang sản xuất có bị bày bán ra thị trường theo con đường không chính thống hay không, phải có chính sách ứng phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và đảm bảo các quy trình này phải được khách hàng xem xét và chấp thuận.

4. Trade Compliance (Chứng từ sản xuất).
Để chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa được sx tại nhà máy của bạn cũng như kiểm soát lượng hàng qua từng công đoạn sản xuất, bạn cần thiết lập cho mình một bộ chứng từ mẫu chuẩn để có thể chứng minh cho khách hàng thấy việc kiểm soát hàng có hiệu quả từ công đoạn nhập nguyên phụ liệu đầu vào đến lúc xuất hàng.
Để làm được điều này bạn cần tự mình nghiên cứu từng công đoạn sx xem nó có thực sự hiệu quả không, thống nhất với trưởng bộ phận để biết họ cần những thông tin, yêu cầu riêng nào để thiết kế được biểu mẫu quản lý. 
Việc triển khai ban đầu sẽ rất khó khăn, để tránh việc chỉnh sửa nhiều, bạn cần thống nhất với quản lý bộ phận trước khi triển khai.
Việc theo dõi tiếp sẽ quyết định hệ thống bảng biểu của bạn có phát huy hết tác dụng hay không, bạn nên linh động sửa chữa kịp thời khi có sự không nhất quán.

5. Environment (Môi trường)
Đây là xu hướng chủ yếu cho năm nay, tất cả khách hàng, nhất là Mỹ & EU hiện đang chú trọng xây dựng hệ thống yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường cho các nhà cung ứng, vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần tự thiết lập hệ thống sản xuất, mạnh dạn đề xuất áp dụng các phương pháp nhằm hạn chế tối đa các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng thay thế.

Một khi làm tốt 5 mảng này, doanh nghiệp của bạn sẽ vừng bước trong việc giữ chân khách hàng truyền thống và nghênh đón khách hàng mới.


Nhân dịp năm mới, xin chúc cộng đồng Compliance luôn mạnh khỏe và thành đạt! 
Hãy cùng doanh nghiệp của mình xây dựng một đất nước phát triển bền vững!

Phải chuẩn bị gì cho nghề SCR?

Chắc chắn mọi người sẽ hỏi phải làm gì để theo nghề này? câu trả lời là:

1. Trang bị kiến thức về pháp luật, liên quan đến: 
- Nhân sự (Giờ làm, chế độ nghỉ ngơi, thai sản, trợ cấp, bồi thường, thang bảng lương, tiền thưởng...); 
- Kế toán (Thuế, tiền lương, bảo hiểm...); 
- Xuất nhập khẩu (Các tiêu chuẩn về an ninh hàng hóa, các qui trình tiến hành xuất nhập...) 
- Và tất tần tật về An toàn vệ sinh lao động, An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng cháy chữa cháy, đào tạo, môi trường, sức khỏe..con người và nhân quyền.

2. Có gan để cãi: Vì khi làm nghề này đồng nghĩa với việc bạn phải biện bạch cho mỗi qui định (tất nhiên phải nói chuyện bằng luật)

3. Tâm lý bị ghét: vì nghề này mà bạn sẽ dễ mất lòng đồng nghiệp và nhất là nhu7ng4 người, bộ phận nào có sai phạm.

4. Đôi chân không mệt mỏi, đôi tay không biết dừng, đôi mắt không biết nghỉ ngơi và cái đầu không chết lặng.
Bạn luôn phải đi để kiểm tra, tìm lỗi của người khác, tay thì luôn đánh máy các loại văn bản, viết báo cáo hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quí, hàng năm??? luôn phải căng mắt ra để đọc tài liệu, theo dõi các văn bản pháp luật và vạch lá tìm sâu. Cái đầu thì luôn phải tư duy suy nghĩ xem người này làm đúng hay sai, nếu sai thì sai cái gì?, làm gì để sửa sai cho họ và nhất là nghĩ ra cách đủ để thuyết phục BOD sau mỗi lần báo cáo.

5. Và cuối cùng là bản tính chịu đựng
Bạn phải biết chịu đựng những cơn thịnh nộ khi mỗi lần audit qua, để lại cho bạn 1 báo cáo cỡ vài trang....ôi...đau đầu..!

Để những thành viên sáp gia nhập SCR xem xét và tham gia.
Chúc thành công!!!

Giới thiệu một chút về nghề này ở VN

Social compliance là nghề tương đối "chua" ở Vn chúng ta, vì rất nhiều lý do mà ngày càng có nhiều anh chị em lao vô và cũng có vô vàn lý do để chúng ta nhảy ra khỏi cái ghế SC này, Sau dây tôi xin viết ra một số   cảm nhận giới thiệu về nghề này cho mọi người tìm hiểu nhé:

CSR: Khủng hoảng Vedan, Miwon và kiểm toán xã hội

Sau sự cố Vedan, Miwon gây ô nhiễm môi trường, Highland Coffee bị nghi có chuột trong bánh, những cuộc đình công của người lao động ở hàng chục công ty..., thì nhìn ở khía cạnh tích cực, cho thấy đã đến lúc để một nghề mới phát triển ở VN. Nghề này rất phổ biến ở các nước công nghiệp, nhưng chỉ mới manh nha trong nền kinh tế thị trường non trẻ của VN. Đó là nghề đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm xã hội, mà có người gọi tắt là nghề kiểm toán xã hội (social compliance auditing, hay social auditing). Kiểm toán xã hội là sự đánh giá hoạt động xã hội và đạo đức của một doanh nghiệp, trên các mặt như:

tuân thủ pháp luật, an toàn lao động, chế độ làm việc của người lao động, vệ sinh môi trường…Nghề này đã có ở Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với sự hiện diện của một số công ty nước ngoài như Bureau Veritas (Pháp), ITS, STR (Mỹ)…

Kiểm toán xã hội ra đời đầu tiên ở Mỹ. Nó trở thành một nghề từ năm 1993 khi người ta phát hiện một nhà máy tại California giam giữ công nhân để bắt họ làm việc như tù nhân trong điều kiện lao động tồi tệ và chế độ đãi ngộ ở mức khủng khiếp nhất.

Một nhân viên kiểm toán xã hội, anh Đặng Thanh Tuấn, cho biết, để nghề kiểm toán xã hội phát triển, cần hai điều kiện tối quan trọng: Một là ý thức của người tiêu dùng cao, hai là hệ thống pháp luật được đảm bảo thi hành. Trong đó, ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết. Anh Tuấn nói: "Người tiêu dùng có ý thức cao là người không chỉ quan tâm tới chất lượng và giá cả, mà còn rất quan tâm tới một điểm thứ ba, là sản phẩm được làm ra như thế nào". Ở các nước phát triển, người ta sẵn sàng tẩy chay một sản phẩm nếu họ biết rằng việc sản xuất ra nó sử dụng lao động trẻ em, hay gây ảnh hưởng độc hại đến môi trường. Chỉ cần một lần vi phạm bị phát hiện, cả một thương hiệu nổi tiếng có thể đi "tong". Vì thế, các công ty, nhất là các thương hiệu lớn, phải hết sức giữ gìn trách nhiệm xã hội của họ. Khi những tập đoàn lớn ở nước ngoài như Addidas, Nike có nhu cầu đặt hàng các công ty Việt Nam gia công sản phẩm, một trong những việc đầu tiên họ làm là thuê một công ty kiểm toán xã hội để độc lập đánh giá về doanh nghiệp gia công xuất khẩu của phía Việt Nam. Dĩ nhiên, do chưa có công ty Việt Nam nào hoạt động trong ngành kiểm toán xã hội, nên từ trước đến nay, các công ty được thuê đều là của nước ngoài. Cho đến nay, Bureau Veritas, STR, Global MFG… đã được thuê để tiến hành nhiều dự án đánh giá, chủ yếu là đánh giá các nhà máy gia công xuất khẩu cho thị trường Mỹ và châu Âu. Nghe nói một số nhân viên thuộc các công ty kiểm toán xã hội nước ngoài đó cũng đã tách ra làm riêng. Tuy nhiên, họ gặp phải nhiều vấn đề như thiếu quan hệ, chưa đủ độ tin cậy và nhất là chưa được xã hội biết đến. Ngoài ra, sự thực là người tiêu dùng Việt Nam chưa có ý thức bảo vệ chính mình, nói gì đến ý thức bảo vệ môi trường hay quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Quyền lợi của người LĐ: Đụng đâu cũng có vi phạm
Theo một chuyên gia kiểm toán xã hội của STR Ltd. (Specialized Technology Resources, một công ty kiểm toán xã hội của Mỹ, có văn phòng ở TP.HCM), thì Luật Lao động của Việt Nam khá chặt chẽ và nếu được thực thi nghiêm chỉnh, sẽ bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động. "Kiểm toán xã hội trong bối cảnh Việt Nam thực ra không có gì khác hơn là cụ thể hóa chính những gì đã được miêu tả trong Luật Lao động, nhưng cụ thể và chi tiết hóa tới những điểm nhỏ nhất. Chẳng hạn, nhà máy phải đảm bảo trả đủ tiền cho nhân viên của mình. Thay vì tận dụng miễn phí 5 phút làm thêm của người lao động sau 8 giờ làm việc chính thức thì họ bắt buộc phải trả thêm tiền công cho 5 phút làm thêm đó". Vấn đề là luật không được đảm bảo thực thi, do chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm, hoặc do không hiểu hết luật.

Ví dụ rất đơn giản là việc giữ bằng cấp gốc của nhân viên. Tuân thủ trách nhiệm xã hội có một yêu cầu rất quan trọng là "không cưỡng bức lao động". Giữ bằng cấp gốc là một trong những dấu hiệu nghiêm trọng sẽ bị quy kết ngay là có "cưỡng bức lao động". Còn theo anh Đặng Thanh Tuấn, các vấn đề thường bị kiểm toán xã hội phát hiện ở Việt Nam chủ yếu liên quan tới lao động trẻ em, an toàn lao động, chế độ lương thưởng cho người lao động. Anh Tuấn nói, Luật Lao động có quy định rõ ràng độ tuổi của người lao động, nhưng một số nhà máy vẫn vi phạm do… không hiểu cách tính tuổi. Họ chỉ tính theo năm hoặc cùng lắm là tháng chứ chưa tính tới ngày theo thông lệ quốc tế.

Chuyện an toàn lao động thì còn nhiều vấn đề để bàn. Nhiều khi nhà máy chỉ cung cấp cho công nhân trang thiết bị lao động mà không nghiêm khắc yêu cầu và duy trì việc họ sử dụng trang thiết bị đó. Các biện pháp đôi khi rất nửa vời: Bọc răng cưa, bánh đà nhưng không bọc hết, hậu quả là đã có không ít trường hợp nhân viên nữ bị cuốn tóc vào máy, gây tử thương.

Vệ sinh môi trường: Đâu chỉ có Vedan, Miwon sai phạm
Khác với Luật Lao động được các chuyên gia đánh giá là “tiến bộ, bảo vệ quyền lợi của người lao động”, các luật liên quan đến môi trường ở ta “không may” là còn giản đơn đến mức sơ sài. Ông Nguyễn Đình Hòe - Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - từng phát biểu: "Khung hình phạt của chúng ta còn quá nhẹ, quá mềm dẻo, chưa phản ánh đúng mức độ gây ô nhiễm của doanh nghiệp nói chung… Luật Bảo vệ Môi trường của chúng ta vẫn còn sơ sài, đơn giản, không để ý đến mức độ tàn phá môi trường của doanh nghiệp, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế".

Luật Lao động "khá chặt chẽ" mà còn bị vi phạm nhiều đến thế, thử hỏi Luật Môi trường chưa chặt chẽ thì còn bị lợi dụng tới đâu? Từng tham gia đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội ở nhiều nhà máy gỗ, anh Đặng Thanh Tuấn cho biết: "Ô nhiễm tới mức đáng sợ. Bụi gỗ, bụi bào bay mù mịt. Bản thân người làm trong nhà máy hít phải chưa đủ, nhà máy còn làm khổ cả người dân xung quanh nữa". Những ngành bị liệt vào dạng "nguy cơ cao", theo anh Tuấn, là gỗ, da giày, may mặc, thủ công mỹ nghệ… Chẳng hạn ngành thủ công mỹ nghệ sử dụng lao động thủ công và gắn chặt với sản xuất quy mô gia đình, làng xã.

"Chúng ta từng biết đến nạn ô nhiễm ở làng gốm Bát Tràng. Sản xuất nhỏ, nằm ngay khu dân cư, phép vua thua lệ làng. Rất nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh tình trạng ô nhiễm môi trường và sử dụng lao động trẻ em ở đây". Các chuyên gia kiểm toán xã hội còn nhận định: Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều ngành nghề có nguy cơ bị giảm lợi nhuận. Để duy trì mức lãi cao, chắc chắn các công ty sẽ ép chi phí bằng mọi cách, mà cách phổ biến nhất là đánh vào túi tiền của người lao động - lương nhân viên. Hoặc cắt giảm chi phí bảo vệ môi trường, từ đó tiến tới tàn phá môi trường, vì lợi nhuận.

Ánh sáng trong cơn khủng hoảng

Sau khi sự cố Vedan, Miwon được phát giác, một làn sóng tẩy chay đã nổi lên, mở đầu với những lời kêu gọi trên mạng Internet. Tại Hà Nội, hầu hết các siêu thị lớn như Intimex, Fivimart, Big C không còn bán bột ngọt Vedan. Các siêu thị tại TP.HCM, như Big C, Saigon Co.op, Maxi Mart... cũng ngừng phân phối sản phẩm này. Báo chí tiếp tục đưa tin, và người tiêu dùng vẫn rất quan tâm. Từ những sự cố Vedan, Miwon, Hào Dương, Highland Coffee… có thể thấy, cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam đang bắt đầu ý thức hơn về các vấn đề liên quan đến môi trường, hay nói rộng ra là liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây chính là thời điểm để nghề kiểm toán xã hội phát huy vai trò. Khi các công ty lớn ở Việt Nam (mà trước hết là các doanh nghiệp có FDI) đã phải quan tâm đến trách nhiệm xã hội hơn, khi người tiêu dùng đã có ý thức hơn nhờ sự hỗ trợ của bùng nổ thông tin trên Internet…, thì những nhân viên kiểm toán xã hội sẽ được thuê nhiều hơn.

"Nếu thấy dấu hiệu gây ô nhiễm, người dân hãy gọi cho cảnh sát môi trường. Hãy gọi cho chúng tôi. Và hãy gọi cho phóng viên, nhà báo" - anh Đặng Thanh Tuấn nói. "Ý thức của người tiêu dùng, một hệ thống pháp luật chặt chẽ, cả hai điều kiện này có được đáp ứng hay không là nhờ vào một hệ thống giám sát và cảnh báo, mà đại diện là những nhà báo luôn tìm kiếm thông tin và phát hiện các vấn đề từ khi mới manh nha hình thành".